Sự kiện đặc biệt
Chính sách lao động mới của Nhật
Nhật Bản mở thêm 9 ngành nghề, tăng số lượng lao động kỹ năng tiếp nhận từ Việt Nam, tăng quyền lợi, mở ra cơ hội cư trú lâu dài đối với người lao động Việt… Đón nhận tin vui ấy, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thốt lên: “Sự kiên trì đàm phán, kiến nghị của chúng ta đã thành hiện thực!”.
Báo Nikei phát hành hôm 10/6 vừa qua thông tin, Chính phủ Nhật đang thực hiện các cải tiến chính sách mới để người lao động nước ngoài có tay nghề cao sẽ có thể lưu trú ở Nhật lâu dài và mở rộng nhóm ngành nghề cho chương trình kỹ năng đặc định số 2.
Việc quyết định bổ sung thêm 9 nhóm ngành nghề bao gồm chế biến thực phẩm và nhà hàng vào danh sách các ngành nghề không có thời hạn làm việc đối với tư cách lưu trú “Kỹ năng đặc định” đã nâng những ngành nghề người lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn lên con số 12 ngành, nghề.
Cụ thể, người lao động nước ngoài sau khi tham gia chương trình thực tập kỹ năng hiện hành sẽ được nâng cao kỹ năng tay nghề, năng lực tiếng Nhật để có thể chuyển tiếp sang các bậc tiếp theo là chương trình lao động kỹ năng đặc định số 1 kéo dài 5 năm và mở rộng lên kỹ năng đặc định số 2 lâu dài.
Mặt khác, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang kỳ vọng Chính phủ sẽ có những động thái tiếp theo nhằm mở rộng cơ hội đón nguồn nhân lực “ngoại” vào làm việc trong rất nhiều lĩnh vực hiện thiếu hụt lao động trầm trọng, như các công việc lái xe, vận chuyển hay vận hành cửa hàng tiện lợi…
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí về việc thay đổi chính sách tiếp nhận lao động người nước ngoài đến làm việc của nước bạn, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc cải tiến chính sách tiếp nhận lao động người nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản trên cơ sở tăng quy mô số lượng và mở rộng ngành nghề làm việc. Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Nhật Bản để đưa ra các chính sách có lợi nhất cho người lao động vì mục tiêu tăng cường mối quan hệ hợp tác đặc biệt trên tất cả các lĩnh vực hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân…”.
Bộ trưởng cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có chỉ đạo để các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chú trọng hơn nữa nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách toàn diện trước khi đưa đi làm việc tại Nhật Bản.
“Thực tế những cải cách chính sách đó cũng là những kiến nghị của tôi với giới chức hữu quan của Nhật Bản trong chuyến thăm và làm việc tại quốc gia này đầu tháng 9 năm 2022”, Bộ trưởng Dung nói.
Như người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH phân tích, cùng với việc cải cách chính sách trong chương trình lao động kỹ năng đặc định, chương trình thực tập sinh kỹ năng hiện tại vẫn được duy trì và được cải tiến theo hướng hài hòa lợi ích của các bên.
Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản cho tái cấu trúc chế độ thực tập sinh kỹ năng theo hướng nới lỏng quy định hiện hành, bỏ nguyên tắc “lao động không được chuyển việc trong thời gian thực tập”. Quy định “cứng” này lâu nay được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động bỏ trốn. Giờ đây, phía Nhật đã nới quy định, cho phép chuyển việc mỗi năm một lần hoặc được phép chuyển việc trong cùng ngành nghề.
Theo dự báo, nếu gộp cả chương trình thực tập sinh kỹ năng và lao động kỹ năng đặc định, số lao động nước ngoài làm việc ở Nhật Bản có thể lên mức 500.000 người.
Trước những cải cách tiến bộ của Chính phủ Nhật Bản liên quan đến các chương trình tiếp nhận lao động “ngoại”, dư luận tại đất nước mặt trời mọc phản ứng rất tích cực, bày tỏ sự ủng hộ với Chính phủ.
“Các doanh nghiệp đón nhận tích cực sự đổi mới này”, ông Watanabe Miki, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc Watami – thương hiệu ẩm thực có 250 nhân viên đang làm việc tại các cửa hàng và nhà xưởng phát biểu.
Ông nhấn mạnh thêm: “Cùng với sự điều chỉnh để cho phép người lao động làm việc dài hạn, nhân lực thuộc diện này có thể làm việc ở các vị trí quản lý, cửa hàng trưởng và đó là một lợi điểm rất lớn đối với doanh nghiệp sử dụng”.
Trong bối cảnh có khả năng cao chính sách làm việc dài hạn sẽ được áp dụng, doanh nghiệp này cho biết dự định cải thiện chính sách đãi ngộ dành cho người nước ngoài song song với cải thiện đãi ngộ dành cho người Nhật.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc tăng cường các chế độ đãi ngộ, tiền lương của các doanh nghiệp đối với người lao động, Chính phủ Nhật cần quan tâm hơn đến các chính sách thuế để không tạo gánh nặng lên người lao động nước ngoài.
Đó là khẳng định của ông Lê Long Sơn, Tổng giám đốc công ty Esuhai, người đã 2 lần được phía Nhật Bản mời phát biểu trước Quốc hội nước này để góp ý xây dựng chính sách tiếp nhận thực tập sinh và lao động nước ngoài vào 11/2016 và tháng 11/2018.
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về đưa lao động đi Nhật, ông Lê Long Sơn cho rằng, việc cải tiến chính sách tiếp nhận lao động người nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản, nhất là cải tiến, nâng cấp chương trình thực tập sinh kỹ năng để liên thông với chương lao động kỹ năng đặc định theo cấp độ, đồng thời với kéo dài thời gian cư trú cho người lao động nước ngoài sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho thị trường này trong thời gian tới.
Mặt khác, hơn 350.000 thực tập sinh Việt tại Nhật hiện nay chính là những người đầu tiên được hưởng lợi từ các chính sách mới.
Phân tích sâu thêm về lợi ích của chương trình, ông Sơn nói: “Phải nhìn nhận khách quan rằng, việc cải tiến chính sách lần này không chỉ giúp phía Nhật thu hút nguồn nhân lực người nước ngoài để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong nước, mà đối với các quốc gia phái cử lao động, đây chính là cơ hội để đào tạo được một lực lượng lớn lao động có kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ theo tiêu chuẩn cao trong tương lai”.
Dẫn chứng về hiệu quả đối với Việt Nam, ông Sơn nhấn mạnh “Nước ta hiện vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng với 22,1 triệu thanh niên từ 16-30 tuổi, trong khi tỷ lệ lao động có tay nghề, bằng cấp, chứng chỉ còn thấp, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, ngoại ngữ hạn chế thì việc tham gia chương trình thực tập kỹ năng với lộ trình từ thấp đến cao, kéo dài 5-10 năm và dài hạn tại Nhật Bản sẽ giúp hình thành nên một lực lượng lao động có kỹ năng, kinh nghiệm và ngoại ngữ, góp phần tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao.
Đối với lực lượng lao động là kỹ sư và người đã tốt nghiệp đại học đi Nhật Bản làm việc, ông Lê Long Sơn cho rằng, điều kiện đầu tiên là trình độ tiếng Nhật tối thiểu N3 và kỹ năng chuyên môn để khi sang nước bạn được bố trí làm việc đúng chuyên môn nhằm nâng tầm giá trị cho lao động Việt Nam.
Sau 10 năm làm việc tại Nhật Bản trở về nước, số lao động này khi tham gia vào các hoạt động kinh tế trong nước, sẽ góp phần kết nối hợp tác kinh tế Việt – Nhật hiệu quả hơn, bền vững hơn.
Credit: Theo Báo dantri.com.vn