Công ty Trường Sơn – COOPIMEX vận dụng Bộ quy tắc ứng xử COC-VN trong hoạt động đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài

Ngày 19 Tháng 11, 2022

Việc quản lý và bảo vệ người lao động ở nước ngoài, tuy rất tốn kém, nhưng Công ty vẫn bố trí người đại diện để kịp thời can thiệp và giải quyết các sự cố phát sinh, nên trong năm 2016 không có lao động nào phải về nước trước hạn hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

I. THỰC TIỄN TRIỂN KHAI BỘ QUY TẮC COC-VN

Năm 2015, Công ty Trường Sơn Coopimex hoạt động cung ứng lao động cho 3 thị trường là Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia với định hướng- đáp ứng yêu cầu về kỹ năng, hiểu biết và chi phí của người lao động cho cả 3 phân khúc thị trường từ thấp ( Malaysia ), trung bình ( Đài Loan ) đến cao ( Nhật Bản ). Kết quả là Công ty đã đưa 162 lao động sang Đài Loan, 294 thực tập sinh đi Nhật Bản và 24 lao động huyện nghèo đi Malaysia.

Cùng với sự biến động của thị trường cung ứng lao động, năm 2016, thị trường Malaysia có những khó khăn nhất định nên khó có thể thể khai thác được nguồn lao động đi Malaysia như thời gian qua, nên công ty đã cơ cấu lại tổ chức và nhân sự để tập trung vào hai thị trường chính là Nhật Bản và Đài Loan, trong đó đặt trọng tâm là thị trường Nhật Bản. Do vậy đến tháng 6-2016, số thực tập sinh sang thị trường này ( 233 người ) đã xấp xỉ con số cả năm 2015.

Việc chuyển hoạt động của Công ty sang trọng tâm là cung ứng TTS cho thị trường Nhật Bản, một thị trường yêu cầu cao về chất lượng hoạt động của doanh nghiệp và chất lượng chuẩn bị nguồn, đòi hỏi phải chuẩn hóa lại toàn bộ quy trình và nâng cấp cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tác dụng trước mắt cũng như lâu dài của các nguyên tắc trong Bộ Quy tắc COC-VN công ty đã lấy các chuẩn mực này hoàn thiện thêm toàn bộ quy trình hoạt động XKLĐ của mình .

Năm 2016 là năm thứ 3 Công ty thực hiện các quy định của Bộ Quy tắc ứng xử. Các quy chế đã xây dựng từ những năm trước đều được phân tích, đánh giá lại và so sánh với thực tiễn hoạt động để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, trong đó có các quy chế về hoạt động nội bộ của doanh nghiệp, cơ chế phối hợp với các Sở Lao động-Thương binh và xã hội và các Ban Quản lý lao động ở nước ngoài; quy trình tuyển chọn lao động và đào tạo; quy trình và công cụ quản lý người lao động từ khi tuyển chọn, đào tạo, quản lý ở nước ngoài và thanh lý khi hết hạn hợp đồng, quy trình tư vấn về thông tin thị trường lao động trong nước và yêu cầu tuyển chọn của các doanh nghiệp.

Trước tình hình các doanh nghiệp đều khó khăn về nguồn lao động, Công ty đã tích cực phối hợp các địa phương, nhất là các trường trong quân đội và tranh thủ mọi cơ hội và mối liên hệ để tổ chức tư vấn cho bộ đội xuất ngũ, là lực lượng lao động có kỷ luật và có kinh nghiệm sống tập thể. Với uy tín hoạt động những năm qua và được xếp hạng cao trong thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử, nên có một tỷ lệ khá người lao động được người quen, bạn bè đã từng đi làm việc ở nước ngoài về giới thiệu đến ứng tuyển tại Công ty. Các lao động tự đến với Công ty đều được phỏng vấn chi tiết để tránh các trường hợp do cò mồi đưa đến và thu phí trung gian của người lao động.

Về đào tạo, công ty đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo TTS đi Nhật Bản, được đối tác chấp nhận. Thuê giáo viên người Nhật để đạt chuẩn cao trong học tiếng, bố trí các em thực tập sinh đạt trình độ tốt từ Nhật về để bồi dưỡng các kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán, kinh nghiệm sống và cách ứng xử. Phối hợp với các nghiệp đoàn tiếp nhận để bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết về tay nghề và các thuật ngữ chuyên ngành của từng nghiệp đoàn.

Việc quản lý và bảo vệ người lao động ở nước ngoài, tuy rất tốn kém, nhưng Công ty vẫn bố trí người đại diện để kịp thời can thiệp và giải quyết các sự cố phát sinh, nên trong năm 2016 không có lao động nào phải về nước trước hạn hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tuy Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa quy định trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp trong việc tư vấn thị trường và cơ hội nghề nghiệp cho người lao động đã hoàn thành hợp động về nước, nhưng thực hiện quy tắc số 9 của Bộ Quy tắc ứng xử, Công ty đã tích cực hỗ trợ người lao động tiếp cận các thông tin về việc làm phù hợp tại Việt Nam. Trong số TTS trở về từ Nhật Bản, Công ty ký hợp đồng sử dụng những người đạt trình độ tiếng Nhật từ N2 trở lên để làm trợ giảng cho các lớp đào tạo giáo dục định hướng cũng như làm công tác hướng dẫn, quản lý học viên tại ký túc xá. Những người có tay nghề và kỹ năng phù hợp, được công ty giới thiệu đến Tập đoàn Pacific và Thái Sơn để dự tuyển, theo thỏa thuận giữa Công ty với các Tập đoàn này. Việc chăm lo cho người lao động đã về nước cũng có tác động tích cực đến việc giới thiệu nguồn cho Công ty.

Tóm lại, việc thực hiện nghiêm túc các quy định của CoC-VN trong thời gian qua đã mang lại cho công ty những kết quả tích cực .

II. MỘT SỐ KINH NGHIỆM VÀ ĐỀ XUẤT

1. Kinh nghiệm

Từng bước áp dụng và từng bước điều chỉnh, bổ sung quy trình hoạt động của công ty khi triển khai Bộ Quy tắc ứng xử COC-VN, công ty cũng tự đúc rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, kiểm chứng tất cả các quy trình để hoàn thiện phương án tối ưu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Được cụ thể hóa một cách thiết thực trong tất cả các khâu từ tuyển chọn lao động đến quy mô đào tạo một cách đồng bộ. Các chỉ tiêu liên quan cần chú trọng quan tâm, ví dụ như nguồn lao động thuộc vùng miền địa phương nào có đặc tính ưu việt và những hạn chế gì để lựa chọn cung cấp theo đơn hàng phù hợp.

Hai là, tập trung và ưu tiện thực hiện tốt hoạt động đào tạo, quản lý lao động trong thời gian học tập trong nước trước khi xuất cảnh. Đào tạo cho lao động phải cụ thể hóa được tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm trước công việc làm, để người lao động hiểu được tối thiểu là sản phẩm mình làm ra phải đảm bảo chất lượng và tiêu thụ được mới đảm bảo sự tồn tại công việc và thu nhập của mình. Mặt khác trong việc tìm kiếm đối tác ở nước sở tại để đạt chất lượng và hiệu quả tốt nhất cho lao động, doanh nghiệp cần phối hợp với Ban quản lý lao động ngoài nước để nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời về đối tác mới và thông tin định hướng về chiến lược của nước sở tại về việc mở rộng sản xuất kinh doanh, để định hình cung cấp kịp thời nguồn lao động.

Ba là, để cung cấp chất lượng dịch vụ đáp ứng được yêu cầu của phia đối tác, doanh nghiệp cần thực hiện tốt và nghiêm tất cả các quy trình một cách bài bản hài hòa, những vấn đề nào vướng mắc thiếu kinh nghiệm cần tranh thủ tư vấn của Hiệp hội để tìm phương án tối ưu trong quy trình thực hiện mới đạt hiệu quả.

Bốn là, từng bước cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản và hiệu quả, Cũng như trong các lĩnh vự khác, hiện nay Công ty đã thực hiện phương thức mới là các thủ tục giấy tờ được chuyển qua đường bưu điện chuyển phát nhanh tiết kiệm rất nhiều thời gian, tài chính và công sức cho người lao động sau khi trúng tuyển. Để tránh sai sót khi không được cán bộ Công ty trực tiếp hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ, Công ty gọi trực tiếp cho người lao động hướng dẫn sau khi người lao động đã nhận được hồ sơ và đính kèm bộ mẫu đã được điền.

Năm là, hàng năm tiếp nhận thông tin từ Hiệp hội XKLĐ, không ngừng đúc rút kinh nghiệm trong quy trình XKLĐ, phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Để chất lượng dịch vụ trong xuất khẩu lao động ngày càng tạo được uy tín thương hiệu, bắt buộc doanh nghiệp phải chú trọng hoàn thiện từng khâu trong quy trình, từ tuyển chọn nguồn đến đào tạo. Các doanh nghiệp phải xác định được sự cạnh tranh với các nước khác để xây dựng được thương hiệu chung của lao động Việt Nam luôn đảm bảo chất lượng và số lượng. Mặt khác người lao động học tập nâng cao kiến thức tiếp cận được công nghệ khoa học kỹ thuật, góp phần hàng năm mang về cho đất nước tăng thêm nguồn thu nhập ngoại tệ, cải thiện đời sống của gia đình lao động ngày càng nâng cao.

2. Đề xuất

Thông qua chương trình COC-VN doanh nghiệp đã đạt được những hiệu quả thiết thực trong hoạt động lĩnh vực xuất khẩu lao động, doanh nghiệp đề xuất với Hiệp hội tổ chức nhiều buổi giao lưu giữa các doanh nghiệp để hợp tác hỗ trợ nguồn nhân lực cho nhau để đảm bảo chất lượng cũng như số lượng theo yêu cầu của đối tác. Qua đó tạo điều kiện và cơ hội và tiết kiệm thời gian cho người lao động trong quá trình tham gia đi xuất khẩu lao động, cũng để tránh trường hợp người lao động phải đi qua các khâu trung gian gây tốn kém chi phí, như vậy tư tưởng của người lao động không bị ảnh hưởng sẽ chú tâm làm việc và hoàn thành tốt hợp đồng về nước không gây ảnh hưởng đến uy tín của Công ty cũng như người Việt Nam.

Hiệp hội là cầu nối quan trọng giữa các Công ty phái cử Việt Nam và những đối tác Nhật Bản muốn đến để hợp tác, thông qua chương trình đánh giá được thể hiện chi tiết cụ thể trên website của Hiệp hội về năng lực của doanh nghiệp cũng tạo thêm được niềm tin cho đối tác khi có ý định hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Để được các đối tác Nhật Bản biết đến các doanh nghiệp nhiều hơn khi xu thế đang thuận lợi như hiện nay khi đối tác Nhật muốn tiếp nhận số lượng lớn người Việt Nam sang Nhật làm việc, Hiệp hội nên chủ động tổ chức những buổi hội thảo tìm hiểu giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và các Công ty phái cử Việt Nam để tạo cơ hội hợp tác mạnh hơn nữa giữa hai nước trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, cũng như trong lĩnh vực thương mại trong tương lai sẽ góp phần phát triển ngày càng mạnh lĩnh vực xuất khẩu lao động và phát triển đất nước mình./.

Translate »