Tin tức
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ” CHUẨN BỊ NGUỒN LAO ĐỘNG “
Khoản 1 Điều 18 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định (Luật số 69/2020/QH14): “Doanh nghiệp dịch vụ chuẩn bị nguồn lao động trướckhi đăng ký hợp đồng cung ứng lao động khi có yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động hoặc theo thỏa thuận hợp tác với bên nước ngoài tiếp nhận lao động và chỉ được thực hiện sau khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận”.
Đây là một trong những nội dung mới so với Luật 72/2006/QH11. Việc Nhà nước bổ sung quy định về chuẩn bị nguồn lao động đã giúp cho doanh nghiệp dịch vụ được chuẩn bị nguồn trước khi đăng ký hợp đồng lao động. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được chủ động trong công tác chuẩn bị nguồn lao động phù hợp với yêu cầu của đối tác nước ngoài, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường cung ứng lao động quốc tế. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định này để tuyển chọn, đào tạo tràn lan, gây thiệt hại cho người lao động (NLĐ) và lãng phí cho xã hội, Luật số 69/2020/QH14 đã bổ sung quy định về hồ sơ chuẩn bị nguồn lao động, cơ chế quản lý đối với hoạt động chuẩn bị nguồn.
Hoạt động chuẩn bị nguồn lao động được thực hiện dựa trên các căn cứ: Hoạt động đăng ký hợp đồng cung ứng lao động hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng .Doanh nghiệp phải đang trong thời kỳ chuẩn bị giao kết hợp đồng cung ứng lao động thì mới thực hiện hoạt động chuẩn bị nguồn lao động;(ii) Sự chấp thuận của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Hoạt động chuẩn bị nguồn lao động và giao kết, đăng ký hợp đồng cung ứng lao động chỉ được thực hiện sau khi đã có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Theo đó, doanh nghiệp dịch vụ có nghĩa vụ phải cam kết bằng văn bản việc ưu tiên tuyển chọn NLĐ đã tham gia hoạt động chuẩn bị nguồn của doanh nghiệp; trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết ưu tiên tuyển chọn NLĐ sau khi đã tham gia chuẩn bị nguồn do doanh nghiệp tổ chức thì phải bồi thường theo thỏa thuận. Ngoài ra, doanh nghiệp dịch vụ phải cam kết bằng văn bản về thời gian chờ xuất cảnh sau khi NLĐ trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài với thời hạn không quá 180 ngày kể từ ngày NLĐ trúng tuyển; trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết về thời gian chờ xuất cảnh thì phải bồi thường theo thỏa thuận và hoàn trả các chi phí mà NLĐ đã chi trả trừ trường hợp bất khả kháng. Quy định về chuẩn bị nguồn lao động đưa ra nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng doanh nghiệp dịch vụ quảng cáo, mời chào NLĐ nộp tiền tham gia các khóa học nghề và thi tuyển để đi làm việc ở nước ngoài không đúng quy định. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đề nghị các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ được tổ chức sơ tuyển, tuyển chọn lao động sau khi được Cục chấp thuận việc chuẩn bị nguồn lao động hoặc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động.
Trước đây, tại Luật số 72/2006/QH11quy định: “Hợp đồng cung ứng lao động có hiệu lực sau khi được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận” (khoản 2 Điều 18). Do đó, mọi hoạt động tuyển chọn, đào tạo NLĐ cho hợp đồng cung ứng phải thực hiện sau khi doanh nghiệp thực hiện đăng ký hợp đồng và có Phiếu trả lời đăng ký hợp đồng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho NLĐ nhưng trên thực tế lại là trở ngại lớn với nhiều doanh nghiệp, và làm mất đi khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Bởi lẽ nếu thực hiện đúng theo quy định thì doanh nghiệp sẽ không còn nhiều thời gian để tuyển chọn và đào tạo lao động theo yêu cầu về chất lượng và tiến độ của đối tác, dẫn đến mất đơn hàng, mất đối tác (do quy định chỉ tuyển chọn sau khi được chấp thuận hợp đồng), các doanh nghiệp còn bị động trong chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của bên tiếp nhận. Năng lực khảo sát, phân tích và đánh giá thị trường, thẩm định tính khả thi của các hợp đồng, xác định hoặc dự báo các yếu tố rủi ro cần phòng ngừa, kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực còn rất hạn chế. Chất lượng lao động cung ứng không ổn định, thời gian cung ứng không đảm bảo đang là trở ngại chính trong việc xây dựng thương hiệu và niềm tin đối với khách hàng của các doanh nghiệp hiện nay. Vì vậy, quy định mới đã điều kiện cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu tiếp nhận,đồng thời cũng có những quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp và các hình thức xử lý cụ thể trong trường hợp sau thời gian cam kết với NLĐ nhưng không đưa được NLĐ đi làm việc ở nước ngoài nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng để tuyển chọn và đào tạo tràn lan gây thiệt hại cho NLĐ.
Theo Điều 7 Luật số 69/2020/QH14, hành vi “lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động, tuyển chọn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của NLĐ trái pháp luật” bị Nhà nước cấm thực hiện. Theo Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, một số hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động chuẩn bị nguồn sẽ bị Nhà nước xử phạt. Cụ thể: Không đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp dịch vụ thông tin về: Văn bản của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận về việc chuẩn bị nguồn lao động; Chuẩn bị nguồn lao động khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động hoặc tuyển chọn NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của NLĐ trái pháp luật; Thực hiện hoạt động chuẩn bị nguồn lao động trong thời gian bị đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp dịch vụ có thể bị đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động.
Thêm vào đó, trong quá trình tuyển dụng, doanh nghiệp dịch vụ có nghĩa vụ quảng cáo, tư vấn, thông báo tuyển chọn, cung cấp thông tin chính xác với NLĐ và chính quyền địa phương tại nơi tuyển chọn về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc,quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ theo nội dung hợp đồng cung ứng lao động. Doanh nghiệp dịch vụ phải trực tiếp tuyển chọn và không được thu tiền của NLĐ về việc tuyển chọn.Điều này có nghĩa rằng, doanh nghiệp dịch vụ không được phép ủy quyền cho các tổ chức, cá nhân khác tuyển chọn lao động. Những chi phí “trung gian”phát sinh giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân được ủy quyền sẽ bị giảm thiểu; nhờ đó, NLĐ cũng không phải tốn thêm các khoản chi trả phát sinh này. Ngoài ra, việc Nhà nước quy định trách nhiệm trực tiếp tuyển chọn còn nhằm đảm bảo chất lượng của nguồn lao động bởi không phải tổ chức, cá nhân nào cũng có đủ năng lực, điều kiện (nhân viên tuyển dụng, cơ sở vật chất,…) để tuyển chọn lao động phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động.
Tất nhiên, trong thực tế triển khai thi hành Luật số 69/2020/QH14, có ý kiến đề nghị cần quan tâm đến các chi phí hành chính mà doanh nghiệp dịch vụ phải chi trong giai đoạn chuẩn bị nguồn lao động, từ đó kiến nghị xem lại quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật vì đây là giai đoạn quan trọng, doanh nghiệp dịch vụ cần phải có kinh phí để bổ túc nghề, ngoại ngữ cho NLĐ để đảm bảo chất lượng nguồn lao động. Thiết nghĩ đây là kiến chính đáng,cần xem xét theo hướng cho phép doanh nghiệp được thu một khoản phí nhất định để bù đắp các chi phí, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tạo nguồn và phục hồi các hoạt động sau hai năm bị đình trệ do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 vừa qua.
Chuẩn bị nguồn lao động là một trong các nội dung quan trọng để doanh
nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng